Bắc hành tạp lục

北行雜錄

(Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc)


Bắc hành tạp lục (Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) là tập thơ bao gồm 131 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Trung Quốc từ đầu năm Quý Dậu 1813 đến đầu năm Giáp Tuất 1814 . Đây là một tập thơ nói lên lòng thương cảm sâu xa những người trung nghĩa bị hãm hại, những người tài hoa bị vùi dập, những người lao động cùng khổ bị đói rét cùng nỗi khinh ghét giới thống trị kiêu căng và tàn bạo, được Nguyễn Du nói lên bằng những vần thơ hết sức sâu sắc .

Theo mục lục in trong Thơ chữ hán Nguyễn Du, thì bài thơ mở đầu tác phẩm Bắc hành tạp lục là bài Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) được viết khi ông trở ra Thăng Long để lên đường sang Trung Quốc, và bài cuối là Chu phát (Thuyền ra đi) được làm khi đoàn sứ bộ về đến Vũ Xương (Hồ Bắc, Trung Quốc). Kể từ đó không thấy Nguyễn Du sáng tác hay ghi chép gì thêm.

Đa phần thơ trong Bắc hành thi tập là thơ luật, gồm 76 bài thất ngôn bát cú, 11 bài ngũ ngôn bát cú, 18 bài thất ngôn tứ tuyệt; chỉ có 8 bài thất ngôn cổ phong, ngũ ngôn cổ phong và 18 bài trường thiên (thất ngôn, ngũ ngôn hoặc trường đoản cú) theo thể ca và hành.

Phần đầu tập thơ là 9 bài mô tả cảnh vật từ Thăng Long đến ải Nam Quan, theo đánh giá của Từ điển văn học (bộ mới) thì trong số đó có 4 bài viết về cố đô Thăng Long đều là những kiệt tác, nhất là bài Long Thành cầm giả ca. Số còn lại (122 bài) sáng tác trên đất Trung Quốc và lấy đề tài trên đất nước này, có thể chia làm hai nhóm:

Đề tài "lộ trình" gồm khoảng 70 bài, ghi lại những cảm hứng nẩy sinh, những điều tai nghe mắt thấy trên từng chặng đường đi, rồi qua đó nhà thơ giãi bày tâm trạng, như Minh Giang chu phát (Đi thuyền trên sông Minh Giang), Thái Bình thành hạ văn xuy địch (Bên thành Thái Bình nghe tiếng sáo thổi), Sơn Đường dạ bạc (Đêm đậu thuyền ở sông Sơn Đường), v.v...Trong số ấy có bài Trở binh hành (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường), Thái Bình mại ca giả (Người hát rong ở thành Thái Bình), Sở kiến hành (Những điều trông thấy) đều rất xuất sắc và sâu sắc. Đề tài "vịnh sử" gồm khoảng 50 tác phẩm, trình bày cảm xúc và suy nghĩ về một loạt nhân vật lịch sử Trung Quốc, nhân đi qua các di tích của họ, như Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu (Qua Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu), Dự Nhượng chùy thủ hành (Bài hành về cái dao găm của Dự Nhượng), Sở Bá vương mộ (Mộ Sở Bá vương), Độ Hoài hữu cảm Hoài Âm hầu tác (Qua sông Hoài, cảm nhớ Hoài Âm hầu) v.v...Ở nhóm thơ này có khá nhiều bài hay và nổi trội hơn cả là bài thơ Phản chiêu hồn.

Theo Từ điển văn học (bộ mới) thì cũng chính từ các nhân vật lịch sử này, mà Nguyễn Du có cớ để bày tỏ "thái độ dứt khoát về lập trường dân tộc đối với các nhân vật đã trở thành điểm đen trong giai thoại và sử sách Việt Nam, như Triệu Đà, Mã Viện, Minh Thành Tổ...đồng thời nhà thơ có cái nhìn đồng cảm, liên tài đối với những nhân vật biểu trưng cho nền văn hóa Trung Quốc, ở các bài nói về Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Kinh Kha, Kê Khang, Lưu Linh, Dương Quý Phi v.v"...

Điều đặc biệt là mặc dù làm Chánh sứ với biết bao nhiêu công việc ngoại giao phiền toái, Nguyễn Du vẫn viết rất khỏe. Bởi khối lượng tác phẩm trong Bắc hành tạp lục được viết trong khoảng hai năm đi sứ, đã trội hơn toàn bộ sáng tác thơ chữ Hán của ông trong suốt mười mấy năm trước cộng lại. Giải thích điều này, Từ điển văn học (bộ mới) có đoạn: Sáng tác được nhiều, một phần vì những vấn đề xã hội trước đây Nguyễn Du mới cảm biết một cách lờ mờ, thỉ bây giờ cuộc sống giúp nhà thơ nhận thấy rõ nét. Phần nữa, nhờ đi ra nước ngoài, nhà thơ có thể mượn nhiều đề tài lấy từ lịch sử và hiện tại của nước người để nói những điều Nguyễn Du muốn nói về nước mình, tránh được sự công kích của các thế lực phong kiến lúc ấy.

Điều đặc biệt khác, Bắc hành tạp lục là một tập thơ sứ trình, vậy mà thơ "thù phụng" (thơ đối đáp, ca ngợi) tuyệt đối không có. Chỉ có, theo GS. Nguyễn Huệ Chi, "con người chủ thể đối thoại với lịch sử. Và lịch sử cũng chỉ được mượn tên để ký thác những hình ảnh, tâm sự, vấn đề thời đại của Nguyễn Du. Tính chất vịnh sử vì thế rất mờ nhạt, trái lại, cá tính sáng tạo của tác giả biểu hiện rất rõ và sâu. Có thể nói Nguyễn Du đã sử dụng vốn sống nhiều mặt, tích lũy được trong thời đại bão táp của mình, để tái hiện lại diện mạo của lịch sử và văn hóa Á Đông truyền thống, thông qua cảm hứng của cái "tôi" trí tuệ và trữ tình".